Sau trận đánh Trận_Ardennes_(Chiến_tranh_thế_giới_thứ_nhất)

Trận chiến Ardennes đã chấm dứt với thất bại tả tơi của các tập đoàn quân số 3 và 4 Pháp. Không chỉ bị đánh đuổi khỏi miền Ardennes, quân Pháp sau đó còn phải triệt thoái về một chiến tuyến từ Sedan tới Verdun, bỏ lại cho quân đội Đức hoàng kiểm soát một phần lãnh thổ có giá trị của Pháp. Nhận định lầm lạc của Joffre về thực lực và bố trí của quân đội Đức đã góp phần lớn dẫn đến sự bại trận của quân đội ông. Nhưng sau đó, viên tướng Pháp điềm tĩnh đánh giá lại tình hình để phòng ngừa một thảm họa toàn diện hơn nữa. Vào thời điểm ngày 24 tháng 8, Joffre đã nhận ra mối đe dọa nghiêm trọng mà các Tập đoàn quân số 1 và số 2 Đức đem lại cho Lực lượng Viễn chinh Anh và Tập đoàn quân số 5 Pháp ở cánh trái của ông ta. Khả năng nhìn nhận và đối phó với khủng hoảng của Joffre vào mùa thu 1914 đã góp phần cứu nước Pháp khỏi nguy cơ nhanh chóng bị đánh bại hoàn toàn như ở năm 1870-711940. [3]

Một cuộc tấn công của bộ binh Đức, tháng 8 năm 1914.

Sau thắng lợi của Thái tử Wilhelm trên mặt trận Ardennes, Đức hoàng Wilhelm II ban tặng con mình Huân chương Thập tự Sắt hạng I và II – giống như ông đã làm với Thế tử Rupprecht xứ Bayern, người chiến thắng trận Lorraine, trước đó. [2]

Phân tích

Theo nhận định của các sử gia hiện đại như Terence Zuber và Douglas Fermer, chiến thắng Ardennes đã chứng tỏ ưu thế về chiến thuật và huấn luyện của quân đội Đức. Trong các ngày 21 - 22 tháng 8, người Đức đã tiến hành xuất sắc các hoạt động tuần tiễu và trinh sát của mình trong khi người Pháp thì ngược lại. Các đơn vị kỵ binh và bộ binh thám sát của Đức trên chiến trường Ardennes đã ngăn chặn, khống chế thành công hoạt động trinh sát của kỵ binh Pháp đồng thời cung cấp được thông tin chính xác cho bộ chỉ huy về các cuộc hành quân của Pháp. Các cuộc trinh thám của không quân Pháp ở vùng rừng núi Ardennes cũng tỏ ra không mấy hiệu quả.[4][14]

Theo một nhà sử học hiện đại khác, Holger H. Herwig, thảm họa mà các tập đoàn quân số 3 và 4 Pháp phải hứng chịu vào ngày 22-23 tháng 8 cũng xuất phát từ trận hình bậc thang của họ. Theo mô tả của một sĩ quan Pháp, hai tập đoàn quân dàn trận hình giống như một "cầu thang" từ trái xuống phải, với mỗi "bậc thang" bao gồm một quân đoàn nhìn lên mạn bắc. Về lý thuyết, kiểu đội hình này giúp cho mỗi quân đoàn Pháp có thể tấn công về phía bắc hoặc phía đông theo yêu cầu của tình huống. Nhưng trên thực tế, nó đã buộc cánh phải của mọi quân đoàn Pháp phải lệ thuộc hoàn toàn vào bước tiến của quân đoàn bên phải mình. Việc một quân đoàn bị chặn đứng không chỉ đe dọa sườn quân đoàn bên trái, mà còn đưa toàn bộ "cầu thang" vào nguy cơ sập đổ. [2]

Lính Đức hành quân trong trận Biên giới Bắc Pháp tháng 8 năm 1914.

Trong trận chiến ngày 22, nhờ việc vận dụng học thuyết "Sứ mệnh lệnh" (Aufragstaktik), các cấp tư lệnh quân Đức đã nhanh chóng điều động và triển khai được mọi lực lượng sẵn có của mình để đương đầu với cuộc tiến công của Joffre. Trái với người Đức, phía Pháp lại tiến hành khai triển quân lực của mình một cách ngập ngừng và chậm chạp. Trong tác chiến, tính ưu việt về chiến thuật và huấn luyện của Đức đã được thể hiện qua sự phối hợp nhuần nhuẫn giữa các đơn vị gần nhau trong tác chiến, cũng như sự kết hợp chặt chẽ hỏa lực pháo binh, súng trường và súng máy để chế áp quân Pháp. Zuber cho biết, khi quân Đức ở thế thủ, làn hỏa lực ấy nghiền nát ác đợt tấn công của quân Pháp. Khi quân Đức ở thế công, các đội hình tản khai của họ tiếp cận và phá vỡ bộ binh Pháp bằng sự phối hợp hỏa lực với vận động.[4] Ngay cả ở những nơi họ không nắm ưu thế về quân số, quân đội Đức chiến đấu dũng mãnh, thâm nhập vào giữa các đơn vị Pháp và ẩn nấp bất cứ lúc nào có thể để hạn chế hỏa lực của đối phương. Chẳng hạn như tại Bertrix, chỉ một mình Sư đoàn Bộ binh 21 Đức đã đánh cho cả Quân đoàn XVII Pháp chạy dài.[14] Trong một ví dụ khác, Trung đoàn Dự bị 81 Đức - bị áp đảo về hỏa lực bởi Quân đoàn XII Pháp - đã nấp vào các bụi rậm trên một khu đất cao và cầm cự đến 4 tiếng đồng hồ thì mới thua. Cuối cùng Quân đoàn XII Pháp cũng phải dừng bước trước Trung đoàn Dự bị 88 Đức.[4]

Pháo binh hạng nhẹ 75mm của Pháp.

Bên phía Pháp, tuy rằng loại pháo tối tân 75mm đã gây tổn thất lớn cho quân Đức ở nhiều nơi,[3] bộ binh và pháo binh Pháp phối hợp rất lỏng lẻo trong tác chiến. Theo Fermer, cho dù số đại đội súng máy của hai bên là ngang ngửa nhau, quân Pháp tỏ ra bất lực hơn nhiều trong việc triển khai và che giấu súng máy của mình. Thêm vào đó, màu sắc sặc sỡ của các bộ quân phục Pháp từ thời thế kỷ 19 (áo xanh, quần đỏ) đã làm cho lính Pháp dễ dàng trở thành mồi ngon cho những tay bộ binh thiện xạ của Đức, trong khi lính Đức dễ ngụy trang hơn trong quân phục màu xám của mình. Đội ngũ sĩ quan Pháp cũng dễ bị nhận diện qua những chiếc khăn tay trắng và áo bành tô ngắn của họ, và do đó đã chịu tổn thất hết sức to lớn vào mùa thu 1914. Khi đang cố thu nhặt thông tin vào đêm 22, một sĩ quan tham mưu của Tập đoàn quân số 3 đã gặp lại một người bạn cũ vừa tham gia trận đánh và được nghe "anh ta kể tôi về việc lữ đoàn anh ta đã hứng chịu thảm họa ra sao … về viên tư lệnh của anh bị giết ngay bên cạnh anh, về từng lớp binh sĩ bị đốn ngã bởi súng máy; về nỗi kinh hoàng trong cuộc chiến dưới sương mù; về một cơn ác mộng ghê gớm … Và viên sĩ quan này, người mà tôi am hiểu và không có lý do gì để ngờ vực về lòng dũng cảm của anh ta, lấy hai tay che mắt như thể không muốn nhìn khung cảnh kinh tởm này nữa". [14][15]

Thiệt hại

Cuộc chiến khốc liệt ở Ardennes đã đem lại thương vong rất lớn cho cả hai bên, đặc biệt là quân Pháp.[14] Tại Rossignol, tổn thất của quân Pháp lên đến 11.277 người trong khi phía Đức chỉ thiệt mất 1.318 người.[16] Ở Bellefontaine, Sư đoàn 4 Pháp tổn thất 1.195 người (trong đó 527 chết) trong khi Lữ đoàn 21 Đức đối đầu với họ cũng thương vong khoảng 1.920 người, trong đó 345 tử vong. Tại Neufchâteau, Lữ đoàn Thuộc địa 5 Pháp mất đến 3.600 quân trong khi hai lữ đoàn của Quân đoàn Dự bị XVIII Đức chỉ tổn thất 1.800 quân.[17] Ở Bertrix, pháo binh của Sư đoàn 33 Pháp bị tận diệt và tổn thất của sư đoàn lên đến 3.181 sĩ quan và binh lính. Lữ đoàn 66 chịu thiệt hại đến hơn 30% lực lượng trong khi Lữ đoàn 65 bị nát vụn: Trung đoàn 7 của họ đã tan chạy sau 25 phút chịu hỏa lực cường độ mạnh của Đức và phải đến ngày 24 tháng 8 thì mới chỉnh đốn lại được đội hình của mình. Về phía Đức, tổn thất của Sư đoàn 21 có lẽ chỉ bằng khoảng 1/3 tổn thất của đối phương. Trung đoàn Bộ binh 88 - đơn vị Đức tham chiến nhiều nhất tại Bertrix - chịu thương vong 21 sĩ quan và 436 binh lính. Theo Lịch sử Trung đoàn 88, thiệt hại của trung đoàn trong trận Ardennes lớn hơn trong bất cứ một trận đánh nào thời Chiến tranh Pháp-Phổ. Trong khi đó Trung đoàn Bộ binh 81 bị tổn thất lớn về đội ngũ sĩ quan: 3 đại đội trưởng và 5 trung tá tử trận, 1 tiểu đoàn trưởng, 2 đại đội trưởng và 7 trung tá bị thương. Quân Đức thuộc đại đội công binh của Sư đoàn 21 cũng thu giữ được một hiệu kỳ của Trung đoàn 20 Pháp.[18] Tại Massin-Anloy, số quân bị giết của các sư đoàn 22 và 34 Pháp lên đến 2.240 và Sư đoàn 34 bị tiêu diệt. Thương vong của Sư đoàn 25 Đức lên đến 3.224 người, trong số đó 1.100 người tử trận.[19] Ở Virton, Sư đoàn 8 Pháp bị hủy diệt và Sư đoàn 3 Pháp chịu tổn thất 556 người, trong khi 1.281 quân Đức bị thương vong.[20] Một số chi tiết về thiệt hại của đội ngũ sĩ quan Sư đoàn 8: trong Trung đoàn Bộ binh 130, viên đại tá tử trận, toàn bộ 3 tiểu đoàn trưởng đều chết hoặc bị thương và chỉ một trong 12 đại đội trưởng là không bị sao. Bên cạnh Trung đoàn 130, Trung đoàn 24 mất gần sạch đội ngũ sĩ quan của mình cùng 770 binh lính, nói cách khác là 1/3 số lính của trung đoàn[9]. Trong cuộc chiến đấu quanh Éthe và Bleid, cho biết thương vong của Sư đoàn 7 Pháp và Sư đoàn 10 Đức lần lượt là 5.342 và 1.872 quân.[21] Ở Longwy, thiệt hại của Quân đoàn V Pháp gồm 2 sư đoàn 9 và 10 lên đến 2.884 quân trong khi các đơn vị thuộc Sư đoàn 26 Đức hao tổn 1.242 quân.[22] Trong cuộc chiến đấu giữa các sư đoàn 9, 33 và Dự bị 12 của Đức với các sư đoàn 12, 40 và 42 của Pháp về hướng nam Longwy, quân Đức thiệt mất 4.458 người trong khi Sư đoàn 40 Pháp bị tan vỡ.[23] Theo thống kê của Herwig vào năm 2009, thương vong của các tập đoàn quân số 4 và số 5 Đức trong giai đoạn 21–31 tháng 8 lần lượt là 19.218 (7.540 chết hay mất tích, 11.678 bị thương) và 19.017 (7.488 chết và mất tích, 11.529 bị thương). Herwig còn cho biết một số thông tin về tổn thất của quân Pháp trong trận chiến, theo đó Sư đoàn 8 mất đến 5.500 trên tổng số 16.000 quân ở Virton trong khi Sư đoàn 7 bị "đập nát" ở Ethe. Tại Ochamps, Trung đoàn Bộ binh 20 mất 1.300 quân (50%) trong khi Trung đoàn Bộ binh 11 mất 2.700 trên tổng số 3.300 quân. Cũng theo Herwig, Lữ đoàn Thuộc địa 5 chịu tổn thất 3.200 trên tổng số 6.600 quân của mình.[2]

Với tổng số quân Pháp tử trận lên đến 27.000 người trên chiến trường Ardennes và các chiến trường khác dọc theo biên giới Bắc Pháp, ngày 22 tháng 8 năm 1914 đã được công nhận ngày đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự Pháp. [15][24]

Liên quan